Chi nhánh Viện Ứng dụng công nghệ tại thành phố Hồ Chí Minh triển khai chế phẩm sinh học trên cây sầu riêng tại tỉnh Bình Phước và Đắc Nông
Chi nhánh Viện Ứng dụng công nghệ tại thành phố Hồ Chí Minh (Chi nhánh) vớiquan điểm nghiên cứu phải gắn chặt sản xuất, trong thời gian qua Chi nhánh đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng thành công trong sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh thành phía nam. Năm 2022, khi Bộ nông nghiệp và PTNT ký nghị định thư với Trung Quốc để trái sầu riêng của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạnh sang thị trường tỷ dân, điều đó đã mở ra cơ hội lớn cho người nông dân trồng sầu riêng làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Thách thức của nhiều nông dân sản xuất sầu riêng là đối mặt với nhiều quy định nghiêm ngặt về diện tích, sản lượng, chất lượng, đặc biệt là quy định về chất cấm trong trái sầu riêng nhập khẩu; các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng . . . và như thế phương thức sản xuất truyền thống trước đây bằng việc lạm dụng phân bón hoá học và các thuốc bảo vê thực vật hoá học buộc người dân phải thay đổi. Nhận thức được vấn đề, giữa năm 2022, Chi nhánh đã điều chỉnh thành phần một số sản phẩm sinh học cho phù hợp với sinh lý phát triển của cây sầu riêng để tiến hành thử nghiệm, xây dựng quy trình nhằm phổ biến rộng rãi đến người dân.
Để sản phẩm có thể áp dụng vào sản xuất, tháng 8/2022 Chi nhánh đã cho một số mô hình trồng sầu riêng tại các tỉnh Bình Phước, Đắc Nông áp dụng, ngày 24/02/2023 đến ngày 27/02/2023 Chi nhánh đã có chuyến công tác khảo sát kiểm tra thực tế, kết quả bước đầu cho thấy, tất cả các mô hình sử dụng chế phẩm sinh học của Chi nhánh đều cho cây trồng sinh trưởng tốt, cây ra hoa nhiều, hoa ra tập trung, tỷ lệ ra hoa đạt 100% và tất cả các mô hình đều phải tỉa bớt hoa để dưỡng trái. Một điều đáng mừng là tất cả các mô hình sử dụng sản phẩm sinh học của Chi nhánh có tỷ lệ sâu bệnh hại thấp; sử dụng chế phẩm sinh học giảm được 70% phân bón hoá học các loại. Đây là tín hiệu tốt, tuy nhiên dưới góc độ chuyên môn, Chi nhánh kiến nghị với cán bộ kỹ thuật và chủ vườn cần xem tỷ lệ nuôi trái để điều chỉnh lượng phân bón hoá học cho phù hợp, vì cây nuôi trái nhiều nếu không đủ dinh dưỡng sẽ dẫn đến hiện tượng rụng trái non, quan điểm của Chi nhánh nếu sử dụng sản phẩm tiết kiệm được 30% phân bón hoá học là quá đạt yêu cầu.
Trong đợt khảo sát thực tế, Chi nhánh nhận thấy việc phát triển cây sầu riêng một cách ào ạt, thiếu kiểm soát như hiện nay là tín hiệu rất đáng báo động, chỉ riêng tỉnh Bình Phước diện tích sầu riêng đã tăng trên 1000 ha chỉ trong 1 năm, không dừng ở đó nhiều nông dân vẫn đang tiếp tục chặt bỏ cây cà phê, hồ tiêu, cao su để trồng sầu riêng. Trước vấn đề này, rất cần có ý kiến chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc dự báo thị trường, sản lượng tiêu thụ, định hướng, quy hoạch vùng trồng cho người dân để tránh dẫn đến tình trạng được mùa, mất giá và nhiều câu chuyện đau lòng về giải cứu nông sản đang diễn ra hiện nay.
Kết thúc chuyến công tác, Chi nhánh được chủ các mô hình và cán bộ kỹ thuật đề nghị nghiên cứu, cung cấp thêm các sản phẩm sinh học diệt nấm nứt thân xì mủ, nấm thối trái, sâu đục cành, sâu xanh da láng, nhện đỏ vì là đối tượng phá hoại nghiêm trọng trên cây sầu riêng mà chưa có giải pháp sinh học nào có thể giải quyết được. Chi nhánh cho rằng, đây là một đòi hỏi chính đáng của người dân và hiện là vấn đề cấp bách trong sản xuất, rất cần các chuyên gia, các nhà khoa học, tập trung nghiên cứu để giúp người dân có thể canh tác sầu riêng bền vững trong bối cảnh dư lượng thuốc hoá học bị kiểm soát chặt bời các quốc gia nhập khẩu.
Nguồn: Chi nhánh Viện tại TP. HCM