Nông nghiệp hữu cơ canh tác bền vững và hội nhập
Việt Nam là đất nước nông nghiệp, trong nhiều thập kỷ qua đã chú trọng và thành công trong việc gia tăng năng suất, sản lượng cây trồng nhờ đó Việt Nam đã trở thành cường quốc trong sản xuất nhiều nông sản như: lúa, cà phê, hồ tiêu và một số cây trồng khác. Do chỉ quan tâm đến số lượng mà ít quan tâm đến chất lượng đã dẫn đến nhiều hệ luỵ trong phát triển nông nghiệp bền vững như: tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước, mất cân bằng cấu trúc đất do sử dụng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ quá mức, nông sản sản xuất ra phần lớn xuất khẩu qua các thị trường có hàng rào kỹ thuật thấp mà chủ yếu là Trung Quốc và khi dịch Covid 19 bùng phát Trung Quốc đóng cửa, sức tiêu thụ của họ giảm thì nông sản Việt Nam rớt giá và rất nhiều cuộc giải cứu thanh long, giải cứu chuối, dưa hấu diễn ra trên toàn quốc.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã mở ra cánh cửa lớn cho nông sản Việt có mặt ở 28 nước thành viên thuộc liên minh Châu Âu (EU), từ đó mở ra cơ hội chấm dứt tình trạng “được mùa rớt giá mà được giá lại mất mùa” và các câu chuyện “giải cứu nông sản” như đã diễn ra trong thời gian qua. Để vào được các thị trường khó tính như Châu Âu nông sản Việt phải vượt qua rào cản kỹ thuật rất khắt khe, các tiêu chuẩn về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đảm bảo hàng đầu, để giải quyết bài toán đó thì việc chuyển đổi canh tác truyền thống quan tâm đến số lượng sang sản xuất hữu cơ quan tâm đến chất lượng và môi trường là điều bắt buộc.
Tháng 8/2022 đoàn công tác của Chi nhánh Viện Ứng dụng Công nghệ tại TP. HCM (Chi nhánh) đã có chuyến công tác đến một số tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long nắm bắt nhu cầu sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản hữu cơ, qua đó mới thấy dư địa phát triển cho thị trường này vô cùng lớn. Đến thăm một doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ từ các phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Cần Thơ, hàng ngày doanh nghiệp này thu gom hàng trục tấn các loại vỏ, rau củ quả nông sản tại các nhà máy chế biến để làm phân bón hữu cơ truyền thống. Tuy nhiên, do chi phí vận chuyển (logistic), công nghệ sản xuất, quy trình cấp phép của cơ quan quản lý nhà nước còn phức tạp nên đã tạo chi phí sản xuất mặt hàng này cao hơn các sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Do vậy, dù dư địa lớn nhưng doanh nghiệp cũng chỉ sản xuất hạn chế đủ cung cấp cho thị trường truyền thống mà họ đang có.
Đoàn công tác của Chi nhánh tiếp tục đến thăm một trang trại sản xuất chanh dây theo hướng hữu cơ, cơ sở này cho biết canh tác chanh dây theo hướng hữu cơ cho phẩm chất tốt, giá thành cao gấp 3 đến 4 lần so với giá của các loại chanh dây sản xuất thông thường và gần như thu hoạch đến đâu có thương lái vào mua hết đến đó. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn chưa dám mở rộng quy mô canh tác chanh dây theo hướng hữu cơ vì thị trường hiện tại chủ yếu nhỏ lẻ ở trong nước.
Chi nhánh là đơn vị nghiên cứu, sản xuất và tham gia góp ý nhiều các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phân bón, trồng trọt, chúng tôi nhận thấy để cho việc phát triển nông nghiệp hữu cơ thành phong trào trong toàn xã hội, sâu rộng đến nhiều đối tượng cây trồng thì ngoài việc định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ bằng các Nghị quyết của TW Đảng thì rất cần sự chung tay cầu thị của toàn hệ thống chính trị bao gồm Nhà nước, Nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân. Trong đó: Nhà nước phải hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, khuyến kích sản xuất phân bón hữu cơ, bỏ tất cả các quy định đang là rào cản doanh nghiệp và người dân sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ, xây dựng các chính sách trợ giá trong việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ, quy hoạch, dự báo, định hướng và hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ. Nhà khoa học tập trung nghiên cứu hoàn thiện công nghệ để thúc đẩy phát triển hữu cơ. Doanh nghiệp và người dân là chủ thể chính tham gia quá trình sản xuất và xem việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ là sự phát triển bền vững của giống nòi người Việt, có thế mới kỳ vọng một nền nông nghiệp văn minh, bền vững và thịnh vượng.